GIÁ TÔM PHỤC HỒI VÀ CƠ HỘI TẠI THỊ TRƯỜNG EU RỘNG MỞ
Theo Bộ NN&PTNT, giá tôm trên thế giới gần đây đã có xu hướng phục hồi kéo giá tôm trong nước tăng lên. Trong đó, EU, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, đang mở ra nhiều cơ hội từ nay đến cuối năm.
Giá tôm phục hồi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN$PTNT), thị trường tôm nguyên liệu trong tháng 10 có xu hướng tăng giá nhẹ đối với tôm sú ướp đá và chững giá với tôm thẻ chân trắng, nguồn cung nguyên liệu giảm dần do đang là vụ nghịch nuôi tôm.
Tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20 – 40 con/kg dao động 165.000 – 210.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước.
Giá tôm phục hồi và cơ hội tại thị trường EU rộng mở
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 con/kg có giá 120.000 – 125.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg giá 100.000 -105.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg giá 87.000 – 89.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN&PTNT, giá tôm trên thế giới gần đây đã có xu hướng phục hồi kéo giá tôm trong nước tăng lên. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm nay. Với những đơn hàng mới đó, Bộ NN&PTNT dự báo giá tôm sẽ tăng từ nay đến cuối năm.
Sản lượng tôm nước lợ cả nước 10 tháng đầu năm nay ước đạt 600.000 tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tôm sú ước đạt 242.200 tấn, sản lượng tôm thẻ đạt khoảng 357.8000 tấn.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản, lượng tôm sú ước đạt 225.900 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ ước đạt 286.900 tấn, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Cơ hội xuất khẩu tôm sang EU
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), EU chiếm khoảng 28% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới. Nhập khẩu tôm của EU dao động 6 – 8 tỉ USD mỗi năm.
Xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt là tôm chân trắng sang một số thị trường tại EU hiện đang có những cơ hội để tăng trưởng.
EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này tính tới tháng 9 năm nay đạt 648,4 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khối EU, Anh là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm của Việt Nam trong khối EU, chiếm 27% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 6,7% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt gần 176 triệu USD, tăng 27,6% cùng kỳ.
Hà Lan đứng thứ hai, trong 9 tháng nhập khẩu khoảng 158,6 triệu USD tôm Việt Nam, tăng 11,6%. Việt Nam được xem là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hà Lan, chiếm 37,6% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường này trong năm 2017.
Theo VASEP, tôm Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ lớn khác trên thị trường EU như Ấn Độ và Thái Lan. Hai đối thủ này của Việt Nam đang ngày càng giảm xuất khẩu sang EU do vướng phải những vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Ngày 17/10, Ủy ban châu Âu đã thông qua việc đệ trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu và tôm chế biến vào thị trường này.
Đối với phân khúc người tiêu dùng, ngày càng có nhiều người châu Âu mua tôm ở siêu thị để chế biến ở nhà, thay vì ăn tôm tại các nhà hàng. Đây là lợi thế của tôm chân trắng vì tỉ trọng tôm chân trắng trên thị trường bán lẻ đang tăng.
Các nhà hàng châu Âu thường dùng tôm sú do hương vị thơm ngon và kích cỡ vượt trội nhưng khủng hoảng kinh tế đang khiến tôm chân trắng được ưa chuộng hơn. Tôm sú vẫn được ưa chuộng tại ở các nhà hàng cao cấp và ở miền nam châu Âu.
“Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nào có thể cung cấp tôm chân trắng cỡ lớn với giá thấp hơn tôm sú”, VASEP nhận định.
Đối với phân khúc chế biến, châu Âu ngày càng tăng nhu cầu với tôm hấp nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm MAP (sản phẩm đóng gói khí quyển biến đổi).
Nỗi lo bệnh dịch tôm
VASEP khuyến nghị, để thúc đẩy doanh số bán tôm sang EU, doanh nghiệp nên tăng số lượng trại nuôi, nhà máy được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội đồng thời tăng số lượng nhà máy được nâng cấp dây chuyền chế biến đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ của châu Âu.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, một số tỉnh ghi nhận diện tích tôm nhiễm bệnh đang tăng mạnh, khiến nhiều người không khỏi lo ngại về nguy cơ nguồn cung thiếu hụt.
Theo chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch bệnh ở tôm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng đáng kể. Diện tích thả trong tuần cuối cùng của tháng 10 là 515,5 ha, lũy kế đến 31/10 là 55.836 ha, đạt trên 124% kế hoạch.
Trong khi đó, diện tích thiệt hại do bệnh dịch trong tuần là 38 ha, lũy kế là hơn 12.597 ha, chiếm 22,6% tổng diện tích tôm nuôi nước lợ, bao gồm tôm sú 5.546,5 ha và tôm thẻ gần 7.051 ha.
Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), thời tiết trong những tháng cuối năm thường không ổn định, lạnh xuất hiện, cho nên, rất bất lợi để thả nuôi tôm.
Nhằm tận dụng cơ hội thị trường và thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng của ngành, tránh bị thiếu hụt nguyên liệu vào các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, mới đây Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung. Trong đó, các nội dung phòng chống bệnh dịch cũng được đề cập.
Đức Quỳnh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng