EL NIÑO – CƠ HỘI CHO CÁC NHÀ NHẬP KHẨU ĐẬU NÀNH TRUNG QUỐC
Trước Hội nghị thượng đỉnh G20, sự kiện có thể hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, diễn ra trong tháng này, một vấn đề khác được giới thương nhân giao dịch đậu nành quan tâm là El Niño, một hiện tượng thời tiết được cho là sẽ hỗ trợ các nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Ảnh: Financial Times.
Các nhà khí tượng học vẫn chưa chính thức tuyên bố sự xuất hiện của El Niño, dưới ảnh hưởng của sự nóng lên của bề mặt biển Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những trận mưa tại Brazil gắn với mô hình thời tiết này đã khiến người nồng dân trồng đậu nành sớm hơn bình thường, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và xuất khẩu trước vài tuần.
Điều này là một tin tốt đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, những người đã phải ngừng thu mua đậu nành từ Mỹ kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra vào đầu năm nay. Thuế quan đối với đậu nành tăng 25 điểm phẩn trăm nghĩa là các nhà nhập khẩu Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung mới hướng tới Brazil và những nhà sản xuất khác không phải Mỹ, gồm Canada và Nga.
“El Niño sẽ giúp Trung Quốc. Tất cả mọi thứ hướng tới một vụ thu hoạch sớm [cho Brazil] và một thặng dư xuất khẩu khá lớn”, ông Darren Cooper, chuyên gia kinh tế gia cao cấp tại Hội đồng Ngũ cốc quốc tế, cho biết.
Đậu nành nghiền là nguồn protein quan trọng cho gia súc, và người mua Trung Quốc thường bắt đầu mua đậu nành mới của Mỹ vào tháng 10 và tháng 11.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong niên vụ này, bắt đầu từ tháng 9, chỉ đạt 407.000 tấn tính đến ngày 1/11, giảm mạnh so với mức 10,3 triệu tấn trong cùng kì năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Ngoài thuế quan bổ sung, còn có dẫn chứng về áp lực chính trị tại Trung Quốc đối với việc nhập khẩu đậu nành từ Mỹ. Một báo cáo gần đây từ các quan chức USDA có trụ sở tại Bắc Kinh trích dẫn JCI, một nhóm tư vấn Trung Quốc, lưu ý bất kì ý định kí hợp đồng đậu nành Mỹ mới nào của người mua Trung Quốc cũng là hành động nhạy cảm.
Với các dòng chảy đậu nành giảm dần trước khi vụ thu hoạch Brazil tiếp theo diễn ra, ngành thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc phải đối mặt với các lựa chọn cung cấp hạn chế, báo cáo cho biết thêm.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã thay đổi dòng chảy của đậu nành, khi trước đây Trung Quốc phụ thuộc 35% – 40% nhập khẩu đậu nành từ Mỹ.
Trong các dự báo mới nhất cho năm trồng trọt hiện tại, USDA đã hạ dự báo thương mại đậu tương của mình, phản ánh sự chuyển đổi nguồn cung của Trung Quốc sang Brazil. Với Trung Quốc chiếm dưới 2/3 lượng xuất khẩu đậu nành của Mỹ, tổng doanh số bán loại hạt chứa dầu này ở nước ngoài của Mỹ đã bị điều chỉnh giảm còn 52 triệu tấn so với ước tính trước đó là 56 triệu, giảm 3% so với một năm trước đó. Xuất khẩu của Brazil đã được điều chỉnh tăng từ 75 triệu lên 77 triệu.
USDA đã giảm dự báo nhập khẩu của Trung Quốc xuống còn 90 triệu tấn so với ước tính trước đó là 94 triệu, phản ánh sự sụt giảm của nhập khẩu từ Mỹ, cũng như ngành thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc tiến hành giảm yêu cầu lượng protein trong thức ăn chăn nuôi.
Một động thái của các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi Trung Quốc để thay thế bột đậu nành bằng thức ăn từ những nguồn khác như hạt cải dầu và đậu Hà Lan từ Canada, và hạt hướng dương từ Ukraine, theo Agricensus, một cơ quan thẩm định giá.
Điều này đã khiến nhiều thương nhân nông nghiệp, gồm các ông chủ của Bunge và Archer Daniels Midland lưu ý, Trung Quốc có thể không cần quay lại Mỹ để nhập khẩu đậu nành.
Soren Schroder, Giám đốc điều hành của Bunge, nói với các chuyên gia phân tích rằng Trung Quốc có thể tự cung cấp đầy đủ mà không cần phải quay trở lại nhập khẩu Mỹ, trong trường hợp không có giải pháp cho vấn đề tranh chấp thương mại.
Cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng đến giá đậu nành của Mỹ. Giá đậu nành giao sau trên sàn giao dịch Chicago, đạt hơn 10 USD/giạ hồi đầu năm nay, đã giảm còn 8,1 USD, mức thấp nhất trong 9 năm.
Một thỏa thuận giữa Mỹ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G20 có thể báo hiệu sự trở lại của Trung Quốc trong vai trò là một nhà nhập khẩu đậu nành, nhưng điều đó còn xa vời. Dù bằng cách nào, mưa ở Brazil có thể khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc thỏa mãn dù kết quả như thế nào, vì vụ mùa bội thu sẽ chỉ giúp đẩy giá xuống thấp hơn, các chuyên gia phân tích nhận định.
Lyly Cao
Theo Kinh tế & Tiêu dùng