CHUỖI GIA SÚC LỚN: LỚN CHƯA ĐỒNG ĐỀU
[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – So với chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm thì quản lý, sản xuất theo ngành hàng, theo chuỗi của chăn nuôi gia súc lớn ngoại trừ sản phẩm sữa bò, còn lại các sản phẩm đều kém hơn. Có nhiều nguyên nhân khiến chuỗi gia súc lớn kém hơn, đó là do phân tán, quy mô nhỏ, cơ sở giết mổ cá thể hoặc quá nhỏ, số lượng sản phẩm không đủ lớn. Yếu nhất của chuỗi là liên doanh, liên kết, giết mổ lưu thông. Chính khâu này đã làm giảm chất lượng sản phẩm và đẩy cao giá thành của sản phẩm.
Phát triển chăn nuôi theo chuỗi là xu thế tất yếu của xã hội
Thực trạng chuỗi: Chuỗi sữa ổn định nhất, bò thịt bát nháo
Sản phẩm sữa thì một trong các mô hình “đại gia” liên quan đến sữa và sản phẩm sữa đó là Vinamilk và TH. Nhìn vào chuỗi giá trị của hai công ty này sẽ thấy khác biệt. Đối với TH là một chuỗi giá trị duy nhất của một chủ thể. Theo đó, TH bao trọn gói từ bắt đầu cho đến sản phẩm cuối cùng và ra thị trường, nhưng Vinamilk cũng là một chuỗi giá trị có nhiều liên kết. Một trong cái chuỗi quan trọng nhất đó là liên kết với người nông dân để sản xuất và sữa tươi, Vinamilk đã chủ động sản xuất một phần sữa của chính mình, phần còn lại họ liên kết với khoảng 110 nghìn thành viên là bà con nông dân để thu mua sữa. Đây là hai cái điển hình cho ngành sữa. Hay như Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu cũng là một liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Về bò thịt, ngành chăn nuôi trong nước mới đáp ứng 75% – 80% nhu cầu nên thời gian qua hàng loạt nhà đầu tư lớn đã tham gia lĩnh vực này với quy mô lên đến cả ngàn con mỗi dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phần lớn chỉ mới bán sản phẩm là bò thịt sống, chưa có nhiều thương hiệu thịt bò đến người tiêu dùng.
Theo TS Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn: Về chuỗi bò thịt, liên kết chuỗi chăn nuôi bò thịt được đánh giá là yếu, chủ yếu mua đứt bán đoạn. Thông tin thị trường giữa các tác nhân trong chuỗi gần như chưa có sự liên kết và chia sẻ (giá, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ). Nguồn thức ăn và thuốc thú y phụ thuộc khá lớn vào nguồn nhập khẩu và các công ty thức ăn chăn nuôi nước ngoài hoạt động trong nước. Do đó, giá cổng trại và giá thị trường trong nước cao hơn nhiều các nước trong khu vực.
Ngay cả đại gia trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu từ năm 2014 đến nay cũng chỉ bán bò thịt. Theo doanh nghiệp này công bố, năm 2016, xuất bán được 122.740 con, mang lại doanh thu 3.469 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2017 lại đưa ra con số khá khiêm tốn, chỉ 40.000 con, doanh thu 1.240 tỉ đồng. Trong vài lần trao đổi bên lề với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho biết dự định sẽ xây dựng thương hiệu “bò thịt Gia Lai” nhưng có lẽ vẫn còn trong kế hoạch dài hạn.
Người tiêu dùng khi mua thịt bò nói chung vẫn chưa thể biết được đường đi của sản phẩm từ trang trại đến giết mổ, bán lẻ như đối với thịt heo ở kênh phân phối hiện đại đã thực hiện ở TP HCM.
Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày TP tiêu thụ 600-700 con trâu, bò nhưng lượng mổ tại TP rất ít, chỉ khoảng 30 con/ngày tại 2 cơ sở giết mổ là Vissan và Xuyên Á. Phần lớn trâu, bò tiêu thụ tại TP HCM được giết mổ ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang… rồi đưa về 87 cơ sở kinh doanh thịt trâu, bò sỉ khắp TP.
Lãnh đạo một chuỗi bán lẻ thực phẩm nhận định hiện trong ngành thịt bò không có doanh nghiệp dẫn đầu đúng nghĩa, thị phần chia lẻ tẻ khắp nơi. Nguồn bò để đưa vào giết mổ thì chất lượng thượng vàng hạ cám, lượng bò đúng chuẩn để giết thịt không nhiều, rất nhiều bò từ nguồn thải loại (bò già) nên rất khó để xây dựng thương hiệu.
Ngay cả khi chủ động được nguồn bò nuôi theo quy chuẩn giết thịt, gần thị trường thì việc đưa vào giết mổ công nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu cũng gặp rất nhiều nút thắt.
Doanh nghiệp cần gì?
Trên báo chí, ông Lê Đức Duy, Giám đốc điều hành Công ty CP Thanh Nhân Food (đang xây dựng chuỗi thịt bò sạch thương hiệu Halo), cho rằng do sản lượng tiêu thụ thịt bò còn thấp nên ít nhận được sự quan tâm của các cấp quản lý. “Hiện thịt gà, thịt heo đã được hỗ trợ xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong khi sản phẩm thịt bò giá cao nhưng người tiêu dùng rất thiếu niềm tin vì chỉ doanh nghiệp tự làm, tự công bố. Tôi mong muốn trong thời gian tới các chương trình truy xuất nguồn gốc mở rộng sản phẩm, trong đó có thịt bò, nhân rộng các điểm bán thực phẩm an toàn, được xác nhận để người tiêu dùng tin tưởng và có thể chấp nhận giá cao mua hàng đúng giá trị ” – ông Duy nói.
Theo ông Duy, thị trường thịt bò hiện rất bát nháo với tình trạng bò bơm nước trước khi giết mổ, trà trộn thịt trâu đông lạnh bán phá giá thịt bò, người tiêu dùng rất khó phân biệt. DN xây dựng chuỗi bò sạch luôn chịu chi phí cao hơn so với thương lái kinh doanh hiện nay từ 5% -10% (trong đó có 5% tiền thuế), trong khi rẻ thường là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn.
Theo số liệu thống kê 01/10/2017 của Tổng cục Thốn kê): Tổng số đầu gia súc lớn của nước ta có: gần 2,5 triệu con trâu (2.491662 con), trên 5,6 triệu bò (5.654.901 con), trên 2,5 triệu dê (2.556.268 con), 168.128 con cừu, 61.694 con hươu, nai và 86.759 con ngựa. Tổng số đầu gia súc trên sản xuất, cung cấp cho thị trường 439.862 tấn thịt hơi, đáp ứng gần 50% cho tiêu dùng trong nước; đàn bò sữa trên 301 ngàn con, sản xuất cung cấp 881.261 tấn sữa tươi, đáp ứng được 40-41% cho tiêu dùng. |
Trao đổi trên báo chí, ông Vũ Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần giống Gia súc Hà Nội cho rằng, hiện nay, công ty cũng đang phối hợp để xây dựng chuỗi thịt bò BBB, tuy nhiên quá trình cũng gặp rất nhiều khó. Hiện nay, chúng tôi cũng đã có 4-5 cửa hàng để giới thiệu sản phẩm của công ty. Công ty đang đề xuất với thành phố Hà Nội xây dựng một trung tâm sản xuất sạch để tiêu thụ trong nước. Cái này thành phố đã đồng ý về chủ trương nhưng quá trình làm giấy phép cực kỳ khó khăn. Công ty đang cố gắng làm sao trong quý II xong thủ tục và quý III có thể đưa vào hoạt động.
Doanh nghiệp là đầu tàu nhưng nông dân lại là chủ lực vì hiện nay tất cả đàn bò đều trong dân. Chúng tôi đang làm các việc cần làm như: cung cấp con giống tốt, chế biến thức ăn, hỗ trợ đào tạo… nhưng như thế chưa thành chuỗi được. Chúng ta phải gắn kết người nông dân với cơ chế chính sách, chúng tôi cần Nhà nước hỗ trợ. Thứ hai là Nhà nước hỗ trợ về đất đai.Thí dụ như đưa khu chăn nuôi ra xa khu dân cư, chính sách Nhà nước có rồi nhưng thực tế có bao nhiêu mô hình đó. Chính sách đất đai như dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai, chính sách tín dụng… là rất cần và quan trọng. Còn vấn đề rất quan trọng là thị trường đầu ra. Chúng ta chưa phát triển được nhiều thị trường mới, mà chủ yếu là thị trường truyền thống. Đến giờ tôi vẫn khẳng định rằng, để chuỗi hình thành phát triển được ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các HTX liên minh với nhau, thì vai trò Nhà nước vẫn chủ đạo.
Một doanh nghiệp trong ngành sữa ở phía Bắc từng chia sẻ với phóng viên Chăn nuôi Việt Nam, năm 2017, khi giá sữa thấp kỷ lục ở Ba Vì, doanh nghiệp đã phải hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không chế biến hết sữa cho bà con. Doanh nghiệp này đã mua dây chuyền sản xuất sữa hàng chục tỷ về nước, nhưng đất xin dự án để làm nhà máy thì vẫn chưa được giải quyết vì các thủ tục. Như vậy, mỗi ngày doanh nghiệp mất số tiền không nhỏ để duy trì cỗ máy đang “đắp chiếu” kia, còn người dân chăn nuôi thì đã bán đi rất nhiều bò sữa, hoặc bán sữa với giá rất rẻ, thiệt đơn, thiệt kép.
TÂM AN
Nguồn tin: Tạp chí Chăn Nuôi Việt Nam
PGS TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội gia súc lớn Việt Nam: Cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp theo sản xuất theo chuỗi Chuỗi chăn nuôi gia súc của nước ta có sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Sức khỏe người tiêu dùng được đặt lên hàng đầu vì thế, việc đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là trách nhiệm của người sản xuất và cung cấp sản phẩm. Phát triển theo chuỗi là xu hướng tất yếu khi Việt Nam mong muốn hội nhập sâu rộng với thế giới. Song, việc phát triển theo chuỗi ở ngành chăn nuôi gia súc lớn gặp khó khăn rất nhiều, cụ thể: Nhận thức không đồng đều của người chăn nuôi; người thu gom, người giết mổ, chế biến và ngay cả người tiêu thụ. Quy mô chăn nuôi nhỏ và phân tán. Chi phí ban đầu sẽ cao, đây là áp lực cho tất cả những người tham gia vào chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng. Chuỗi rất dễ tự giải thể nếu phân phối lợi ích không đồng đều, trước sóng gió của giá cả thị trường, đồng thời thiếu sự quyết tâm của người đứng đầu. Phát triển và quản lý theo chuỗi, theo ngành hàng là xu thế đi lên tất yếu của xã hội không thể cản trở. Tất nhiên, theo tôi không thể một sớm một chiều, nhưng phải làm ngay, xong không nhanh như mình mong muốn, vì ở đây ngoài vấn đề vốn đầu tư, còn là nhận thức của số đông mọi người. Phát triển theo chuỗi của ngành gia súc lớn Việt Nam trước hết phải phát triển theo từng con: con bò, con trâu, con cừu, dê….. Đối với từng con, sản xuất quản lý theo ngạch hàng sản phẩm: sữa, thịt, lông, da… Đối với từng mặt hàng, phải đi từ gốc tới ngọn tức giống đến trang trại người nuôi đến cơ sở (người) thu mua, giết mổ chế biến, phân phối đến cửa hàng, chợ…đến người tiêu thụ, tức quản lý từ trang trại đến bàn ăn. Tất cả các khâu đều có sổ sách ghi chép, theo dõi. Để chuỗi gia súc lớn của nước ta có những chính sách nhằm phát triển bền vững. Tôi kiến nghị với các cơ quan chức năng như sau: Cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng cho các sản phẩm sản xuất trong nước; cho các sản phẩm, các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài (sữa, thịt nhập khẩu, sữa thịt sản xuất trong nước). Bên cạnh đó, phải đánh thuế cao hơn đối với các sản phẩm nhập vào chế biến lại cung cấp cho người tiêu dùng. Trích một phần thuế cao hơn để hỗ trợ ngành này trong nước phát triển. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên doanh, quản lý theo chuỗi. Có chính sách hợp lý cho phép sử dụng nguồn phân nước thải từ chăn nuôi trang trại tưới cho đồng ruộng, tưới cho đồng cỏ. Khâu nối nhiều tổ chức, nhiều công ty, nhiều cơ quan ủng hộ và phát động cho việc sản xuất, quản lý theo chuỗi; Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn sẽ tập trung vào các hoạt động sau: Động viên, những thành viên là hội viên của Hiệp hội nếu có các cơ sở chăn nuôi, giết mổ chế biến… thực hiện ngay quản lý kinh doanh theo chuỗi ở từng con, từng mặt hàng. Thông tin, tuyên truyền qua báo chí, tập san, hình ảnh và tổ chức nhiều Hội thảo, thảo luận về sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Tư vấn cho các doanh nghiệp, công ty sản xuất kinh doanh theo chuỗi./. |