BÌNH ỔN GIÁ THỊT HEO VÀ CHUYỆN TIẾP THỊ HÀNG NÔNG SẢN
Chắc chẳng người nuôi heo nào vui khi biết tin sắp tới có thể sẽ mất khoảng 5.000 đồng/kg heo hơi do cơ quan quản lý cùng một số doanh nghiệp cung ứng lớn can thiệp để giảm giá. Nhiều người mới khấp khởi vui, kỳ vọng giá cao sẽ giúp kiếm thêm ít tiền lời bù lại phần thiệt hại của lúc lỗ lã do giá rớt thê thảm cho nên dù cái lý của phía can thiệp giảm giá là để bình ổn thị trường hay là gì khác thì cũng khó làm người dân cảm thấy bớt thiệt thòi.
Khách hàng mua cá tại một siêu thị ở quận 7, Tp. HCM. Ảnh: Minh Duy
Để hạn chế những chuyện này xảy ra, để người nông dân không gặp phải cảnh “được mùa rớt giá” hay tránh tình trạng thấy người ta nuôi con này, trồng cây kia bán giá cao, lời lớn nhưng đến lượt mình thì ế ẩm phải đổ bỏ, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước không nên để người nông dân đứng một mình.
Nhà nước không chỉ phải cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường cùng những dự báo và khuyến cáo để người dân đưa ra quyết định nuôi, trồng đúng mà còn phải tích cực hơn nữa trong các hoạt động tiếp thị hàng nông sản để khuyến khích tiêu dùng, giúp tạo nhu cầu lớn và ổn định. Có được điều này, người nông dân mới có thể yên tâm sản xuất mà không phải lo lắng khi nguồn cung nhiều quá làm giá thấp hay phải tính cách “làm giá” khi thiếu hàng để bù lúc khó khăn.
Tuy nhiên, khi bàn đến chuyện tiếp thị hàng nông sản, người ta thường chỉ tính đến việc tiếp thị ở nước ngoài nhằm gia tăng xuất khẩu mà chưa có chiến lược dài hơi cùng những hoạt động thiết thực trên thị trường nội địa. Trong khi đó, thị trường này lại có quy mô rất lớn và chưa có quá nhiều đòi hỏi ngặt nghèo về chất lượng, bao bì sản phẩm như bên ngoài.
Có thể nói, tại các siêu thị, trung tâm thương mại – nơi trực tiếp đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, những hoạt động rầm rộ để giới thiệu thịt, cá, trái cây… thường là những chương trình giới thiệu sản phẩm của nước ngoài.
Khách đi siêu thị, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần đông đúc thường được nếm thử miễn phí táo của Pháp, táo của Mỹ, bò của Úc, kiwi của New Zealand… hay được mua hàng giá thấp trong những tuần lễ, những tháng dùng thử hàng ngoại.
Không chỉ quyến rũ khách hàng bằng tiếp thị và giá cả, trái cây, thịt cá ngoại nhập còn đến được căn bếp của nhiều hộ gia đình nhờ người bán biết cách hướng dẫn khách hàng chế biến những món ngon từ các nguyên liệu còn khá mới mẻ với nhiều người Việt. Nhiều bà nội trợ Việt chưa biết cách làm beefsteak Úc hay đơn giản là nướng thịt bò sao cho mềm và ngon đúng không? Dễ ợt, người ta sẽ chỉ cho vài chiêu để làm, có khi còn tặng một ít gia vị tẩm ướp. Có người không biết làm gì với trái táo hay trái kiwi ngoài việc cắt ra để ăn tráng miệng thì sẽ được hướng dẫn làm salad hay kết hợp với vài loại trái cây khác để tạo nên các loại nước ép dinh dưỡng…
Nhìn những chương trình đó chợt ngậm ngùi nghĩ đến nông sản Việt. Những loại cây trái, thịt, cá, tôm tưởng quá quen thuộc với khách hàng trong nước, không cần phải giới thiệu nữa thì lại càng phải cần tiếp thị khách hàng mua nhiều hơn và tạo thói quen mua hàng Việt.
Ai cũng biết trái thanh long ở Bình Thuận và Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu thanh long nhưng dường như chưa có chương trình nào được tổ chức ở siêu thị để quảng cáo cho loại trái này. Địa phương, cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp chưa để ý đến những chương trình làm cho khách hàng biết loại trái này có ích cho sức khỏe như thế nào hay thanh long không chỉ cắt ra ăn tươi mà còn có thể làm salad, ép nước và cũng có thể sấy khô làm thành món ăn vặt có vị chua chua, ngọt ngọt, bùi bùi rất thú vị.
Mùa này cam sành, đặc biệt là cam sành Sa Đéc rất ngon, trái to, mọng nước, vị ngọt, giá lại rẻ, chỉ mười mấy ngàn đồng một kg nhưng không thấy cơ quan nào làm chương trình tiếp thị cho loại trái này. Những trái cam ngon lành cứ nằm im lìm trên kệ hàng ở các siêu thị, khách hàng nào biết ngon, thấy rẻ thì đến mua còn không thì cứ thế lướt qua. Siêu thị chưa có chương trình để thu hút thêm khách hàng và cũng chưa có hoạt động quy mô lớn nào để nhắc khách hàng là “đã đến mùa rồi hãy mua sản phẩm này đi” như chương trình mà người Úc thực hiện để nhắc khách hàng Việt vào trước mùa cherry năm ngoái.
Hàng nông sản xuất khẩu để thu về ngoại tệ. Thế nên, những người có trách nhiệm phải đi tiếp thị, quảng cáo để kéo khách hàng ngoại quốc mua sản phẩm, nhưng cũng đừng quên thị trường nội địa rất quan trọng, là cứu cánh cho nhiều mặt hàng nông sản. Vì thế, cần phải có những chương trình tiếp thị, kích thích tiêu dùng lớn và bền bỉ cho thị trường trong nước.
Minh Duy
Thời báo Kinh tế Sài Gòn