ẤN ĐỘ XUẤT KHẨU ĐƯỢC 8 TRIỆU TẤN ĐƯỜNG SAU KHI KÍ HỢP ĐỒNG QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN TRONG 3 NĂM
Chật vật với lượng dự trữ dư thừa, tính tới thời điểm hiện tại, các nhà máy đường tại Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, đã kí hợp đồng xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn sang các quốc gia như Trung Đông và Sri Lanka, theo một quan chức chính phủ Ấn Độ.
Trong số đó, khối lượng đường thô xuất khẩu gồm 6 triệu tấn và còn lại 2 triệu tấn là đường trắng.
“Chúng tôi đang đàm phán với những quốc gia khác để thúc đẩy xuất khẩu đường. Trung Quốc đã đồng ý mua và đàm phán với Indonesia đang diễn ra suôn sẻ”, quan chức này cho biết thêm.
Trong tháng 10, các nhà máy đường Ấn Độ đã ký thỏa thuận xuất khẩu đường thô lần dầu tiên trong 3 năm vì sự phục hồi của giá đường khi lên cao nhất trong 7 tháng tại New York, cùng với trợ cấp của chính phủ khiến xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn.
Để giải quyết lượng đường dự trữ dư thừa, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các nhà máy đường nội địa bắt buộc phải xuất khẩu 5 triệu tấn đường trong năm tài chính 2018 – 2019 (bắt đầu từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2019). Bên cạnh đó, chính phủ còn bù đắp cho các doanh nghiệp chi phí vận chuyển nội bộ, cước phí, bốc dỡ và những phí khác.
Ảnh: MyRecipes.
Chính phủ Ấn Độ đang đưa ra mức trợ cấp vận tải là 1.000 rupee/tấn đối với các nhà máy đường nằm cách cảng trong 100 km; 2.500 rupee/tấn đối với nhà máy cách cảng trên 100 km; và 3.000 rupee/tấn đối với những mà máy tại các bang khác.
Ấn Độ sản xuất kỉ lục 32,5 triệu tấn đường trong năm tài chính 2017 – 2018 và sản lượng được dự báo đạt mức tương đương hoặc thấp hơn một chút trong năm tài chính hiện tại. Nhu cầu tiêu thụ nội địa hàng năm đạt khoảng 26 triệu tấn. Quốc gia này cũng có lượng đường tồn kho đầu kì là 10 triệu tấn đối với năm tài chính hiện tại, bắt đầu từ tháng trước.
Hồi tháng 6, để cứu trợ ngành đường đang thiếu tiền, chính phủ Ấn Độ đã công bố một gói tài chính trị giá 85 triệu rupee cho ngành, với mục đích chính là thúc đẩy công suất ethanol.
Sau đó, vào tháng 9, Ấn Độ đã thông qua gói cứu trợ trị giá 55 triệu rupee, gồm hỗ trợ sản xuất đối với người trồng mía và trợ cấp vận chuyển tới các nhà máy để xuất khẩu lên tới 5 triệu tấn trong năm 2018 – 2019.
Theo chính sách toàn diện để giải quyết sản lượng đường dư thừa trong nước, chính phủ Ấn Độ đã thông qua việc tăng khoản thanh toán hỗ trợ sản xuất cho người trồng lên tới 13,88 rupee/giạ trong năm 2018 – 2019 từ mức 5,5 rupee/giạ của năm nay để cân bằng chi phí mía đường cho nhà máy đường.
Ngoài các gói tài chính, chính phủ đã triển khai các biện pháp khác trong năm ngoái như tăng thuế nhập khẩu đối với đường lên 100% và loại bỏ thuế xuất khẩu đường. Giá bán tối thiểu của đường đã được cố định ở mức 29 rupee/kg.
Lyly Cao
Theo Kinh tế & Tiêu dùng