CÁ RÔ PHI TRUNG QUỐC THẤT THẾ: ‘MIẾNG BÁNH LỚN’ HAY ‘MỐI NGUY MỚI’ ĐỐI VỚI CÁ TRA VIỆT NAM?
Việc cá rô phi của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế tới 25% khiến mặt hàng này gặp khó khăn trong xuất khẩu. Đây được coi là cơ hội mới cho cá tra Việt Nam trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang phát triển nuôi cá tra để thay thế.
Cá rô phi Trung Quốc thất thế tại Mỹ, “miếng bánh lớn” đến với cá tra Việt
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đem lại cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Các doanh nghiệp hi vọng có thể giành thêm thị phần cá thịt trắng, trong đó có sản phẩm cạnh tranh mạnh nhất là cá rô phi Trung Quốc trên thị trường Mỹ.
VASEP dẫn lời một doanh nghiệp lớn về xuất khẩu cá tra, kể từ khi bị Mỹ áp thuế 25% đối với cá rô phi Trung Quốc, doanh số mặt hàng này tại hệ thống siêu thị lớn của Mỹ đã giảm 20 – 30% so với thời điểm chưa bị áp thuế.
“Gã khổng lồ” ngành thủy sản Trung Quốc Evergreen Group là một trong những đối tượng phải chịu thiệt hại lớn từ lệnh thuế của này.
Theo chuyên trang về thủy sản Undercurrentnews, Evergreen là một trong những công ty chế biến và xuất khẩu cá rô phi lớn nhất Trung Quốc với 4 nhà máy chế biến ở tỉnh Quảng Đông. Số tiền thu về từ hoạt động xuất khẩu cá rô phi đạt 93,6 triệu USD/năm.
Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ tới 80% cá rô phi của Evergreen. Tuy nhiên, với lệnh thuế 25% Mỹ áp dụng đối với cá rô phi Trung Quốc, việc xuất khẩu sang thị trường này gần như không thể, ông Frank Chen, Phó Chủ tịch Evergreen Group cho hay.
Thống kê của Cục Nghề cá biển Quốc gia (Mỹ) cho biết năm 2017, Mỹ nhập khẩu 133.700 tấn cá rô phi, trị giá 426,4 triệu USD. Trong đó, cá rô phi Trung Quốc chiếm 75% tỉ trọng.
Cá rô phi Trung Quốc cũng chi phối phần lớn thị phần cá thịt trắng nhập khẩu của Mỹ nhiều năm qua. Năm 2017, sản phẩm này chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25% tổng giá trị.
Số liệu mới nhất của Trung tâm Thương mại Quốc tế, 5 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu cá rô phi của Mỹ đạt 264,6 triệu USD; nhập khẩu cá tra, basa từ Việt Nam đạt 154,4 triệu USD.
“Nếu mức thuế nhập khẩu cá rô phi Trung Quốc tăng cao hơn, trong những tháng cuối năm 2018, nhiều khả năng cá tra, basa sẽ giành thêm thị phần từ nguồn cung này”, VASEP nhận định.
Như vậy, với lệnh thuế 25%, cá rô phi Trung Quốc sẽ để lại “miếng bánh” lớn cho cá tra tại Việt tại thị trường Mỹ.
“Miếng bánh lớn” nhưng “mối nguy mới”
Cũng chính vì cá rô phi gặp khó khăn, Trung Quốc đang nuôi thử cá tra, trước mắt để phục vụ nhu cầu nội địa, vốn đang tăng trưởng nhanh chóng, chủ yếu đến từ các chuỗi nhà hàng và siêu thị.
“Trung Quốc đang nỗ lực để nuôi cá da trơn và ngành này đang phát triển mạnh. Hiện toàn ngành thủy sản Trung Quốc theo dõi sức ảnh hưởng của cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc”, bà Ran Chunli, Giám đốc mảng thủy sản của Evergreen Group cho hay.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kim ngạch xuất cá tra sang Trung Quốc của Việt Nam tăng tới 43% so với cùng kì năm ngoái lên 145 triệu USD.
Lệnh thuế của Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến doanh số xuất khẩu cá rô phi của Evergreen, do đó việc nuôi cá tra đang được chú trọng hơn và thị phần cũng tăng dần tại Trung Quốc. Giống như cá rô phi, việc nuôi cá tra tại Trung Quốc đang phát triển rất mạnh. Quan trọng hơn cả, việc tiêu thụ cá tra cũng đang trở nên phổ biến ở thị trường nội địa.
“Ở thành phố Trạm Giang, nông dân đang chuyển sang nuôi cá tra”, Giám đốc mảng thủy sản của Evergreen Group cho biết thêm.
Trước đó, cá tra khó phát triển ở Trung Quốc một phần do bệnh vàng thịt. “Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được nhờ thay đổi công thức cho ăn và thành phần thức ăn. Đồng thời, nếu Trung Quốc có thể nuôi cá tra giống, hiện tượng cá thịt vàng cũng sẽ được giảm đáng kể. Hiện Trung Quốc vẫn đang phải nhập khẩu cá tra giống từ Việt Nam”, bà Ran nhận định.
Song cá tra giống nhập khẩu từ Việt Nam không phù hợp với điều kiện thời tiết của Trung Quốc, vì vậy “Chúng ta cần tự phát triển loài cá tra giống riêng, phù hợp với khí hậu trong nước”, bà nói.
Không thể chủ quan
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho hay không chỉ Trung Quốc, nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh cũng đang phát triển việc nuôi cá tra.
“Việt Nam không còn độc quyền như trước đây. Mặc dù các nước này mới chỉ phục vụ nhu cầu trong nước nhưng như thế chúng ta cũng đã mất thị phần ngay tại các thị trường đó”, ông Quốc nói.
Ông Quốc cho biết, việc nuôi cá tra đã được triển khai tại một số tỉnh gần biên giới Việt Nam – Trung Quốc với sản lượng ước khoảng 200.000 tấn mỗi năm.
“Mối quan ngại lớn nhất không phải là sản lượng cá tra hiện nay của Trung Quốc mà là tương lai họ sẽ sản xuất được bao nhiêu, đặc biệt khi họ áp dụng quy trình và công nghệ nuôi tiên tiến. Trường hợp Trung Quốc phát triển được ngành này, khả năng họ áp dụng các biện pháp bảo hộ cá tra nội địa cũng có thể xảy ra”, ông Quốc chia sẻ.
Ông Quốc cũng lưu ý mặt hàng nào Trung Quốc phát triển được thì mặt hàng đó của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Trước đây, Việt Nam cũng đã nuôi cá rô phi nhưng không cũng không thể nào cạnh tranh với Trung Quốc.
Dù vậy, ông Quốc nhận định cá tra Việt Nam vẫn có lí do để lạc quan trước mối nguy này khi điều kiện ở khí hậu ở Trung Quốc không thuận lợi cho việc nuôi cá tra giống như ở Việt Nam do vậy sản lượng sẽ hạn chế hơn.
Giám đốc mảng thủy sản của Evergreen Group nhận xét, Việt Nam đã nuôi cá tra từ lâu năm với công nghệ nuôi trồng và chế biến phát triển, trong khi Trung Quốc mới chỉ bắt đầu.
“Điều cần làm là Việt Nam cần cải thiện chất lượng con giống cũng như tiếp tục cải thiện khoa học công nghệ tiên tiến trong quy trình nuôi để hạ giá thành sản xuất.
Đây cũng là điều kiện để các doanh nghiệp và hộ nông dân Việt Nam tính đến việc nuôi trồng bền vững và nâng cao chất lượng. Nếu làm như cũ sẽ hạn chế sự phát triển ngành hàng cá tra Việt Nam”, ông Quốc nhận định.
Đức Quỳnh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng