CHĂN NUÔI LỢN VIỆT NAM YẾU Ở ĐÂU?
Thời gian qua, con lợn của Việt Nam chịu nhiều biến động, theo các chuyên gia đều có nguyên nhân nội tại của nó, vậy ngành chăn nuôi quan trọng này đang bị khuyết ở đâu, nên định hướng ra sao để duy trì mạch phát triển bền vững trong tương lai?.
Đang ở đâu?
Phải nhìn nhận thực tế, chăn nuôi lợn của chúng ta đang trong quá trình vừa phát triển vừa hoàn thiện, từ văn bản quy phạm pháp luật đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trong thức ăn, con giống tới giết mổ, chế biến. Chính bởi mọi thứ còn dang dở nên việc phát huy hiệu quả quản lí nhà nước chưa phát huy hiệu quả cao nhất là điều cảm thông được.
Tuy nhiên, việc Việt Nam mới ban hành một loạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về các sản phẩm thịt mát, thịt đông lạnh, quy chuẩn giết mổ, chế biến thịt lợn cùng việc Quốc Hội dự kiến thông qua Luật Chăn nuôi trong kỳ họp này được kỳ vọng sẽ giúp ngành chăn nuôi có công cụ đắc lực hơn để quản lý ngành hàng quan trọng này.
Ngành chăn nuôi lợn cần một quy hoạch bài bản để phát triển bền vững
Theo chia sẻ từ các chuyên gia và doanh nghiệp, về mặt năng suất, kỹ thuật, giá thành con giống tới công nghệ chăn nuôi lợn của Việt Nam, hiện các doanh nghiệp, trang trại lớn của ta cơ bản tiệm cận các quốc gia hàng đầu thế giới. Bằng chứng là những giống lợn năng suất nhất hiện nay, như Duroc, Landrace, Yorkshire… cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới về chăn nuôi lợn như Thái Lan, Đạn Mạch, Mỹ, Canada, Bỉ… đều có hiện diện tại Việt Nam.
Sự khác biệt cũng là điểm yếu với ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện nay chính là chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thậm chí trong khu dân cư còn chiếm tỷ trọng lớn. Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật Chăn nuôi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ trên 50%.
Với khu vực chăn nuôi này, việc quản lí, kiểm đếm, kiểm soát về con giống, môi trường, chất lượng thức ăn, dịch bệnh tương đối khó khăn. Cũng chính chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ hiện là tác nhân kéo tụt năng suất, giá thành chăn nuôi lợn tại Việt Nam bởi đa phần sử dụng giống lợn lai năng suất thấp và công nghệ chuồng hở khó kiểm soát dịch bệnh. Thống kê tại Trung Quốc vừa qua cho thấy, bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mất kiểm soát tại quốc gia này chủ yếu đều được phát hiện từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ ven các thành phố lớn.
Nhưng tín hiệu đáng mừng là theo số liệu thống kê của ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, sau giai đoạn thăng trầm của ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam từ năm 2016 đến nay, chăn nuôi nông hộ có sự sụt giảm mạnh trong khi tỉ lệ chăn nuôi trang trại có sự bứt phá mạnh mẽ, hiện chiếm 51,9% với xấp xỉ 12.000 trang trại. Trong đó, trang trại gia công cho các doanh nghiệp FDI từ 22,9% năm 2016 tăng lên 30,8% năm 2018 với 3.000 trang trại, trung bình khoảng 1.500 đầu lợn/trại.
Từ con số trên có thể thấy, khi ngành chăn nuôi lâm vào khủng hoảng từ cuối năm 2016, cả năm 2017 và quý 1/2018, mặc dù ngành chăn nuôi liên tục kêu gọi giảm đàn nái, các trang trại, doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vẫn tăng đàn, tăng nái theo lộ trình kế hoạch họ đề ra, chỉ có khu vực chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm thật bởi không chịu được lỗ hoặc trong tình trạng cạn vốn.
Lấy ví dụ tại xã được coi là chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc là Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, Chủ tịch UBND xã này Trần Đình Thiện chia sẻ, đỉnh điểm xã Ngọc Lũ có tới 200.000 đầu lợn nay chỉ còn lại khoảng 50.000 đầu lợn, giảm tới gần 80%, nhưng chắc chắn rất nhiều hộ chăn nuôi xác định sẽ không bao giờ quay lại nghề nữa dù giá lợn hơi hiện tại đang rất tốt.
Cần quy hoạch bài bản?
Dưới góc độ chọn lọc kinh tế, cuộc khủng hoảng giá lợn cuối năm 2016 đến đầu 2018 mang lại điểm tích cực khi góp phần gia tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại và giảm đáng kể chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Đặc biệt, qua đó cho chúng ta một bài học vô cùng đắt giá việc phụ thuộc vào một thị trường quá lớn lại mua lợn sống nguyên con như Trung Quốc. Ngược lại, việc giá lợn hơi trong nước quá cao và kéo dài như thời gian vừa qua, mặt tốt là giúp nhanh chóng phục hồi ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam, mặt trái tạo ra thách thức trong việc duy trì tổng đàn, sự ổn định để không đi vào vết xe đổ của quá khứ.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp và một số tỉnh, thành chăn nuôi lợn quy mô lớn giữa tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời điểm hiện tại ngành chăn nuôi lợn đang có được điều kiện giá cả, quy mô đàn nái, đầu lợn, tỷ trọng, cơ cấu rất tốt khi chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ 4,5 triệu xuống còn 3 triệu hộ.
Và mục tiêu cũng là mơ ước của ngành nông nghiệp tới đây theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ giảm tiếp chăn nuôi nông hộ xuống 2 triệu, 1 triệu hộ, thậm chí ít hơn nữa. Khi đó, chỉ còn lại các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao đủ sức cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, chỉ có chăn nuôi tập trung hiện đại mới giúp hạn chế tôi đa ảnh hưởng của chăn nuôi lợn tới môi trường, bởi môi trường là vấn đề cần phải được ưu tiên hơn trong tương lai.
Do đó, việc Bộ NN-PTNT tổ chức buổi gặp gỡ các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi lợn giữa tháng 10 vừa qua nhằm cùng nhau chia sẻ giải pháp giúp hạ nhiệt giá lợn hơi nhằm duy trì được sự ổn định, bền vững lâu dài cho ngành chăn nuôi lợn theo các chuyên gia trong ngành là rất cần thiết.
Tất nhiên, ai cũng biết cả doanh nghiệp và người chăn nuôi lợn đa phần chưa lấy lại được toàn bộ những gì đã mất từ cuối năm 2016 đến nay, nhưng nếu để giá lợn quá cao kéo dài quá lâu vô hình chung sẽ tạo ra cầu ảo, cung ảo, lãi ảo khiến cơ cấu chăn nuôi lợn đang dần đi vào ổn định nhanh chóng bị phá vỡ theo chiều hướng xấu, không có lợi cho tương lai chung của ngành.
Ảnh: N.H
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang một lần khẳng định, việc giá lợn hơi ở miền Bắc và miền Nam đều hạ nhiệt trong nửa tháng qua sau lời kêu gọi của Bộ NN-PTNT là rất đáng mừng, nhưng mới chỉ giúp quá trình vận hành của cơ chế thị trường diễn ra sớm hơn thôi chứ không làm thay đổi nội tại cung – cầu chăn nuôi lợn hiện nay.
Bởi theo ông Vang, mặc dù đầu lợn giảm nhưng do tỉ lệ đàn lợn ngoại tăng, biểu cân/đầu lợn tăng nên sản lượng thịt lợn từ 2016 đến nay tăng xấp xỉ 2%, trong khi việc bán lợn hơi sang Trung Quốc gần như chấm dứt nên không có lý do gì để có giá lợn hơi cao nhất ngưởng trên 54.000 – 56.000 đồng như vừa qua.
Với giá thành chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay khoảng 37.000 – 39.000 đồng/kg lợn hơi, ông Vang cho rằng mức giá 45.000 – 48.000 đồng là hợp lí, tốt cho cả người chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại và người tiêu dùng. Vấn đề hiện nay là làm sao để duy trì được giá lợn hơi xoay quanh trục 45.000 – 48.000 đồng/kg mới là điều cần phải bàn.
Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho rằng, để ngành chăn nuôi lợn duy trì được mạch phát triển bền vững, cần phải có bộ giải pháp tổng thể, bản thân một mình Bộ NN-PTNT không thể tự giải quyết được.
Theo đó, ngành chăn nuôi phải xác định rõ vai trò, mục tiêu của chăn nuôi lợn chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước hay cả hướng đến xuất khẩu để có chính sách quy hoạch phù hợp với lĩnh vực thức ăn và con giống, cơ cấu chăn nuôi công nghiệp và tỉ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc sản, bản địa.
Tiếp đến, cần có một bộ quy hoạch chi tiết với chăn nuôi lợn để từ đó xây dựng được các cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, điều kiện vô cùng quan trọng nhưng hiện còn thiếu của chăn nuôi Việt Nam.
Đặc biệt, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và một số tỉnh, thành để xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn công nghiệp tập trung, bởi ngành chăn nuôi lợn muốn phát triển bền vững không thể dựa vào một hệ thống giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh ngày vài ba con như hiện nay được.
Nguyên Huân
Nông nghiệp Việt Nam